Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Nhưng nỗi sợ của mọi đứa trẻ

Tiếng chó sủa, tiếng sấm, lúc đi tắm hay các hình nộm… chính là những nỗi sợ không tên có thể khiến bất cứ đứa trẻ nào khóc thét.
Trẻ nhỏ có xu hướng hoảng sợ với bất cứ điều gì mà chúng cho là đe dọa đến sự an toàn của mình. Những lo lắng thường biến mất dần khi các bé có được sự tự tin và độc lập, nhưng những nỗi sợ mới lại đến trong trí tưởng tượng của bé đôi có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Vì vậy thay vì bao bọc, bảo vệ con khỏi những gì khiến chúng sợ, bạn chỉ cần chứng tỏ cho con biết những điều đó có thể tránh được. Thậm chí bạn có thể trợ giúp con dần đối mặt với những nỗi sợ như thế.


Một số mẹo nhỏ được khuyên bởi các chuyên gia tâm lý học sẽ giúp bố mẹ trấn an con một cách hiệu quả trong các tình huống trẻ sợ hãi vì những nỗi sợ không tên đó. 
 
Sấm
 
Một âm thanh lớn và không thể đoán trước có thể gây sốc cho một trẻ mới biết đi. Khi mặt con bạn nhăn lại hay khóc thét lên vì sợ, hãy ôm con vào lòng và giải thích cho con hiểu: "Chúng ta có những ngày nắng, những ngày nhiều mây và đôi khi là ngày mưa với sấm. Nhưng con thấy không, chúng ta an toàn và khô ráo khi ở trong nhà mình mà". 
 
Để chuẩn bị cho tiếng sấm kế tiếp, hãy thử làm một "điệu nhảy sấm sét" để giúp bé tự tạo ra tiếng sấm và vui đùa một cách sảng khoái. Thậm chí, bạn có thể nhảy xung quanh nhà, tạo tiếng đàn bằng nồi và chảo với một chiếc muỗng. Khi một cơn mưa lớn thực sự đến, hãy ôm con vào lòng bạn một lúc, sau đó dần đưa con đến gần cửa sổ để bé có thể quan sát sấm chớp và cơn mưa trong vòng tay an toàn của bạn.
 
Chó
 
Thật dễ hiểu nếu bé nhà bạn sợ com rúm lại khi một chú chó tiến về phía bé. Chó có thể khiến bé bị giật mình bởi tiếng sủa ầm ĩ, nhảy vui mừng, hay hành động liếm mặt. Hãy giải thích cho con biết hầu hết những chó đều thân thiện. Khi bạn nhìn thấy một chú cún nào đó, nên hỏi chủ của chúng để hiểu được phần nào tính cách và sự thân thiện của chú chó. 
 
Sau đó, hãy dạy con chơi đùa và cưng nựng vật nuôi đúng cách như: Cho chú cún ngửi bàn tay của bạn trước khi bạn chà về phía sau tai nó. Làm mẫu cho con cách vuốt bộ lông mềm mại của chú chó rồi cho con thử làm. Khuyến khích con thực hiện các bước nhỏ và thật kiên nhẫn – việc này có thể mất một khoảng thời gian cho đến bé thực sự cảm thấy tự tin.


Đi tắm
 
Rất nhiều trẻ nhỏ thấy sợ bồn tắm, có thể vì các bé lo lắng sẽ bị hút xuống cống khi nước trôi đi. Để làm giảm nỗi sợ hãi này,  bạn thử cho nước chảy vào bồn tầm 3 đến 5 cm nước, rồi để cho con đứng cạnh thành bồn chơi với một số đồ chơi nước một lúc. Chỉ cho con thấy con cá heo cao su sẽ không bị hút xuống cống, cũng như giải thích rằng con cũng sẽ không bị như vậy. 
 
Sau đó, nhẹ nhàng đặt bé vào bồn tắm rồi đổ thêm nước. Hoặc nếu con bạn sợ dầu gội đầu làm cay mắt, nhớ dùng một chiếc khăn để che mắt bé khi gội nhé. Ngoài ra, bạn có thể dùng bóng bay, đồ chơi không thấm nước để tạo sự vui vẻ trong thời gian tắm rửa của bé. Khi con bạn chơi cái gì đó sáng tạo vui vẻ, bé sẽ sao nhãng khỏi sự sợ hãi.
 
Nhân vật hóa trang
 
Trong khi bạn nghĩ con sẽ vui sướng khi được tận mắt thấy vịt Donald hay chuột Mickey ở ngoài đời, thì con bạn lại có thể khóc ré lên sợ hãi. Những hình nộm đóng thế to lớn và các biểu hiện trên khuôn mặt của một nhân vật không thay đổi có thể gây nhầm lẫn khiến cho một đứa trẻ lo sợ. Bố mẹ hãy chủ động đến chào hỏi, đập tay với các hình nộm để con thấy rằng, đó là một “con vật” gần gũi, biết giao tiếp như mọi người. Tuy nhiên, nếu con chưa sẵn sàng, hãy chờ đến lần sau.


Phòng tối
 
Đừng ngạc nhiên nếu con bạn đột nhiên không chịu đi ngủ, vì bé sợ phải ở một mình trong một căn phòng tối đấy. Những sinh vật không có thực như bóng ma và quái vật, có vẻ rất thật với trẻ con. Bằng nhiều cách cách khau bạn có thể làm giảm bớt nỗi sợ của bé, như  sử dụng đèn ngủ, để một con thú nhồi bông hoặc tấm chăn mà con yêu thích nhất. Hay bạn cũng có thể tạo những thói quen ban đêm nhẹ nhàng bao gồm âu yếm bé, đọc sách hoặc ca hát sẽ giúp con thư giãn trước khi bạn nói “chúc ngủ ngon”.
 
Thêm vào đó, bạn cũng nên thử một vài cách thú vị khác. Ví dụ, trò chơi nhập vai có thể phát huy tác dụng. Hãy để con biến thành một con thú khủng khiếp, còn bạn sợ hãi bỏ chạy. Khi đến lượt của bạn, bạn hãy trở thành một quái vật vụng về, buồn cười,  mà không thể bắt kịp các con. Bạn cũng có thể vẽ một bức tranh hài hước về “con vật khiến bé sợ”. Hãy chắc chắn rằng bạn vẽ cho bé một khuôn mặt hạnh phúc và nụ cười lớn, nhờ vậy “quái vật” có trông vẻ ngớ ngẩn, chứ không đáng sợ nữa.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét