Làm ăn thua lỗ, nghiện ngập, bán sạch đồ đạc trong nhà rồi đi buôn ma túy, vào tù…Thành đã tưởng không ai cần một người dặt dẹo dưới đáy xã hội như mình. Nhưng Thành đã lầm, vợ vẫn cần chồng, con vẫn cần bố. Chính tình yêu thương của gia đình đã khiến Thành quyết tâm làm lại cuộc đời.
Nghiện ngập, buôn ma túy
Gặp lại Nguyễn Văn Thành (SN 1969) ở thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, nhiều người ấn tượng bởi dáng người cao, khuôn mặt sạm đen của một “lão nông chính gốc”. Nhưng ít người biết rằng, Thành từng là “trùm ma túy” nổi tiếng một thời.
Không giống với những người đã hoàn lương, không muốn nói về sai lầm đã qua, còn Thành thì ngược lại, Thành bảo: “Tôi phải cảm ơn quãng đời lầm lạc ấy. Vì không có nó, không có tôi bây giờ...”. Rồi Thành hồi tưởng về quá khứ, một thời lầm lỡ. Thành sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ mất năm lên 6 tuổi. Vừa bắt đầu cắp sách tới trường thì bố Thành cũng qua đời. Tuổi thơ gian khó, Thành sống với vợ chồng người anh cả là thương binh nặng, chị dâu quần quật ngoài đồng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, kiếm mớ rau, con cá về bán lấy tiền nuôi em ăn học.
Lớn lên với cái nghèo đeo bám, ngày lấy vợ là chị Nguyễn Thị Tằm, cả hai vợ chồng Thành không “một thước đất cắm dùi” mừng tủi dẫn nhau về ở trong căn nhà kho của hợp tác xã. Thương vợ, quyết tâm làm giàu, Thành đi khắp nơi làm ăn. Theo mấy người bạn, Thành vào Nam, đào vàng ở bãi Khâm Đức, đi Trung Quốc buôn bán. Có vốn liếng, Thành mua một số cửa than tại Quảng Ninh khai thác, công việc làm ăn thuận lợi, Thành và vợ con cũng đã từng có những tháng ngày sung túc.
Năm 1994, các cửa than bị đóng cửa, công việc làm ăn bế tắc, Thành trở về mở xưởng mắm làm ăn nhưng thua lỗ. Trong lúc chán nản, bạn bè rủ rê, một chút ý chí thời trai trẻ không giúp Thành thoát khỏi sự cám dỗ của “nàng tiên nâu”. Nghiện ma túy, bao nhiêu tài sản trong gia đình, những tiếng cười hạnh phúc của vợ con Thành cũng theo khói thuốc bay đi.
Nhớ về quãng đời lầm lạc, người đàn ông này day dứt: “Có những lúc tỉnh táo, nhìn ánh mắt con trẻ sợ hãi, ánh mắt vợ buồn rầu trong căn nhà trống huơ, trống hoác mà lòng đau nhói. Nhưng cơn nghiện thuốc kéo đến, bản thân tôi lại không thể kiểm soát được mình trở thành con người chẳng ra gì”.
Thành kể, đã từng tự cai nghiện nhiều lần nhưng không thành công, sau này, nhờ ông Nguyễn Tiến Suất – Chủ tịch UBND xã, cũng là ân nhân lớn nhất của gia đình Thành không xa lánh mà giúp đỡ Thành lên thị xã cai nghiện. Thành đã cai thành công được 6 tháng. Tuy nhiên, một phút nông nổi và bị bạn bè xấu khích bác, Thành lại quay lại với ma túy. Nghiện hút, bán hết đồ đạc trong nhà không đủ, muốn có nhiều tiền, Thành buôn bán ma túy. Ngày 4/6/2001 Nguyễn Văn Thành bị bắt, sau đó bị TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên án 15 năm tù giam vì tội tàng trữ, sử dụng và buôn bán trái phép chất ma túy. Vợ con ôm nhau khóc, Thành vào tù trong nỗi tuyệt vọng tột cùng…
Trong thời gian thi hành án ở trại giam Phú Xuân 4, nghĩ đến bản án dài dằng dặc, Thành đã có những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến những hành động thiếu kỷ luật như trốn trại, đánh nhau. Nhưng thời gian trôi đi, những ngày nghiền ngẫm trong trại giam đã khiến Thành dần thay đổi. Sau những năm tháng chai lì vì ma túy, “phần người” trong con người Thành được đánh thức, “biết thương vợ, nhớ con, nhận ra những điều sai lầm trong quá khứ và nghĩ tới những kẻ khổ hơn mình”, Thành nói.
Sau nhiều đêm trăn trở, Thành nung nấu ý định thành lập quỹ “Hơi ấm nghĩa tình phạm nhân”, một tiền lệ chưa từng có nơi Thành đang thụ án.
Bến đỗ bình yên với thu nhập trăm triệu mỗi năm
Nhớ về ngày tháng trong trại giam, Thành tâm sự, có vào tù mới biết được nỗi khổ về tinh thần và sự tự do, thiếu thốn như thế nào. Vợ con yêu thương, nhưng vì điều kiện kinh tế không cho phép, nên thời gian lên thăm chồng cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Đối với quỹ “Hơi ấm nghĩa tình phạm nhân” mà Thành đã làm được trong thời gian thụ án, Thành bảo, từ ý tưởng thành hiện thực, phải mất 3 năm thuyết phục mới nhận được sự đồng ý của Ban lãnh đạo trại giam Phú Xuân 4. Qũy “Hơi ấm nghĩa tình phạm nhân” không phân biệt người giàu hay nghèo, thành phố hay nông thôn, Nam hay Bắc, tất cả hòa chung làm một, mang tình yêu thương giúp đỡ những bạn đồng phạm khốn khó hơn vì tương lại tốt đẹp hơn. Để các em nhỏ sinh ra trong trại hiểu, dù sinh ra trong môi trường nào, hoàn cảnh nào các em vẫn luôn có sự che chở, yêu thương từ người lớn xung quanh…”, Thành nói về ý tưởng thành lập quỹ. Tới nay, quỹ “Hơi ấm nghĩa tình phạm nhân” thực sự đã trở thành một phong trào nhân văn được nhân rộng tới nhiều trại giam trong cả nước.
Sau những nỗi lực cải tạo, năm 2012, Thành được đặc xá mãn hạn tù trở về với gia đình sau 11 năm thụ án.
Bằng lòng với cuộc sống hiện tại, suốt buổi nói chuyện, Thành vẫn luôn nhắc tới vợ mình như một “vị cứu tinh” cho cuộc đời anh. “Từ ngày cưới vợ, tôi chưa lo được cho vợ một mái nhà đúng nghĩa. Nhưng cô ấy chưa bao giờ ghét bỏ, ruồng rẫy. Ngày tôi vào trại, vẫn là cô ấy lên thăm nuôi, nắm tay động viên tôi cố gắng. Tôi hiểu, dù tôi đã từng lầm lỗi nhưng vợ tôi, con tôi chính là vòng yêu thương cho tôi một cơ hội làm lại cuộc đời”.
Ngày ra trại, nhìn vợ con trước mặt, Thành ôm mặt khóc tủi hổ. Thành bảo, “lúc đó không thể nói cũng không thể hứa, chỉ có quyết tâm làm lại cuộc đời, sống cho ra sống”. Và một câu của vợ nói trong ngày trở về đến nay Thành vẫn khắc cốt, ghi tâm: “Em chỉ mong anh khi đã mang lại tiếng cười, hạnh phúc cho vợ con thì đừng để đánh mất đi một lần nữa”.
Trở về quê hương, Thành quyết tâm tu chí làm ăn. Vay được vốn, Thành đi học lớp kĩ thuật trồng nấm do huyện Lương Tài tổ chức. Từ những đồng vốn ban đầu, Thành đầu tư làm một lán nấm nhờ nhà kho của thôn Đạo Sử rộng khoảng 35m2, đến nay vợ chồng Thành đã có 3 lán nấm chính và nhiều lán nấm liên doanh. Theo tính toán của Thành, các lán nấm có thể mang lại khoản thu nhập 100 triệu đồng/năm cho gia đình.
Hiện vợ chồng Thành và hai con đã có cuộc sống ổn định. Cái kết có hậu được đổi lại bằng chính sự quyết tâm làm lại cuộc đời và tình yêu thương của gia đình, xã hội.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét